Nhằm nâng cao trình độ chuyên môn và kỹ thuật cho cán bộ y tế đang công tác trong lĩnh vực Sản, Nhi. Ngày 06/11/2018, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tổ chức tập huấn “Kỹ thuật lấy máu gót chân” trẻ sơ sinh để xét nghiệm sàng lọc phát hiện, chẩn đoán sớm, điều trị và can thiệp cho trẻ sau khi sinh.

Tới dự buổi tập huấn có PGS.TS. Dương Hồng Thái, PGĐ Bệnh viện; Tham dự và báo cáo có TS. Lê Minh Trác, GĐ Trung tâm Chẩn đoán trước sinh - Bệnh viện Phụ sản Trung ương và gần 40 cán bộ học viên là bác sĩ, nữ hộ sinh, điều dưỡng khoa Miễn dịch di truyền phân tử, khoa Sản, khoa Nhi của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và các Bệnh viện trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.

Tại lớp tập huấn các học viên đã được nghe TS. Lê Minh Trác giới thiệu, chia sẻ về nguyên nhân, triệu chứng của các bệnh thalassemia, vàng da tan huyết do thiếu men G6PD, rối loạn chuyển hóa… Lợi ích của việc lấy máu gót chân làm xét nghiệm cho trẻ, thời điểm lấy máu hợp lý nhất là 48-72 giờ sau sinh. Nếu những trẻ có bệnh được phát hiện kịp thời tỷ lệ khỏi bệnh đạt trên 90 %.

Sau khi nghiên cứu lý thuyết, các học viên được thực hành tại khoa Sản - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Kỹ thuật lấy máu gót chân không phải là khó nhưng đòi hỏi người kĩ thuật viên phải làm đúng, đủ các bước theo quy trình cẩn thận, tránh làm đau trẻ và làm hỏng, lỗi mẫu phiếu lấy máu.

Buổi tập huấn đã mang lại nhiều kiến thức bổ ích, giúp học viên nâng cao trình độ chuyên môn, qua đó nâng cao chất lượng tư vấn, tuyên truyền cũng như thực hiện kỹ thuật lấy máu trên người bệnh để phục vụ cho chẩn đoán và điều trị.

Một số hình ảnh tại buổi tập huấn.

TS. Lê Minh Trác đang giới thiệu bài giảng tại buổi tập huấn


CN. Đoàn Thị Phương Mai - BV Phụ sản Trung ương, hướng dẫn kỹ thuật lấy máu gót chân