Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tiền thân là Bệnh viện Liên khu Việt Bắc, ở những giai đoạn đầu, bệnh viện đã nhiều lần đổi tên, di chuyển để phù hợp với yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân trong những năm tháng kháng chiến. Với vai trò to lớn và những đóng góp cho cách mạng, ngày 13/3/1960, Bệnh viện vinh dự và tự hào được đón Bác Hồ kính yêu về thăm.  62 năm đã đi qua, khắc ghi lời Bác dạy, lớp lớp các thế hệ y, bác sĩ của bệnh viện luôn đoàn kết, nhất trí một lòng và cố gắng khắc phục mọi khó khăn, vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật, định hướng xây dựng bệnh viện phát triển không ngừng lớn mạnh, ứng dụng nhiều tiến bộ kỹ thuật của nền y học tiên tiến, hiện đại gắn với y học dân tộc và bản địa. Trong không khí của những ngày tháng 5 lịch sử, Ban biên tập Đặc san Trà Việt có bài phỏng vấn PGS. TS. Nguyễn Công Hoàng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. 

Thưa PGS. TS Nguyễn Công Hoàng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Bệnh viện Khu tự trị Việt Bắc (Nay là Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên) vinh dự được Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm vào tháng 3/1960, tại đây Người đã có nhiều lời căn dặn với các cán bộ, y bác sĩ ngành y tế. Lời dạy của Người với những giá trị trường tồn cùng năm tháng có ý nghĩa to lớn như thế nào với mỗi cán bộ, y bác sĩ; đặc biệt với công tác lãnh đạo, điều hành của cá nhân PGS với sự phát triển của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên ngày nay?

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên rất vinh dự và tự hào khi được đón Bác Hồ kính yêu về thăm ngày 13/3/1960. Khắc ghi lời dạy của Người cùng những quyết sách của Đảng, Nhà nước đặt Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tại Khu tự trị Việt Bắc đã tạo dựng nên một nền y học cho khu vực miền núi phía Bắc. Bệnh viện có nhiều chức năng, nhiệm vụ, trong đó chức năng chính là khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc các tỉnh miền núi phía Bắc; chỉ đạo tuyến, đào tạo cán bộ y tế miền núi và đạo tạo lại các thế hệ bác sỹ. Trải qua 71 năm xây dựng và phát triển, 62 năm thực hiện lời dạy của Bác, lớp lớp thế hệ các bộ, y, bác sỹ của Bệnh viện luôn xem hình ảnh, tư tưởng, đạo đức, phong cách giản dị, trong sáng vĩ đại của Người là tấm gương để học và làm theo. Cùng với đó, không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, đổi mới hoạt động chăm sóc sức khỏe nhân dân hướng đến sự hài lòng của người bệnh. Với sứ mệnh cao cả và những thành tích đã đạt được, năm 2020, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng trao tặng Danh hiệu “Anh hùng lao đồng thời kỳ đổi mới” và trở thành Bệnh viện hạng đặc biệt thứ 6 trong toàn quốc theo Quyết định số 811/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ. 

Chỉ thị số 05-CT/TW về “ Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” được quan tâm và triển khai cụ thể như thế nào tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, thưa PGS?

Ngay sau khi Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về việc “ Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” triển khai thực hiện, Đảng bộ Bệnh viện xác định: đối với Ngành Y tế, việc học và làm theo Bác vô cùng quan trọng, trong đó vấn đề y đức phải được đưa lên hàng đầu. Chúng tôi luôn khắc ghi một trong những lời căn dặn của Bác: “Người bệnh phó thác tính mệnh của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khỏe cho đồng bào. Đó là một nhiệm vụ rất vẻ vang. Vì vậy, cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn như mình đau đớn. Lương y phải như từ mẫu” làm kim chỉ nam cho mọi sứ mệnh chăm sóc sức khỏe nhân dân và sự phát triển của Bệnh viện trong suốt 62 năm qua. Bệnh viện đã vươn lên làm chủ khoa học kỹ thuật trong công tác khám, điều trị người bệnh; là một trong 15 Trung tâm ghép tạng trong toàn quốc thực hiện ghép thận từ người cho sống; thực hiện nhiều kỹ thuật chuyên môn sâu và khó như: mổ tim kín, tim hở, phẫu thuật khâu nối mạch máu, cắt u phổi, u trung thất, ứng dụng cánh tay robot trong phẫu thuật cột sống, phẫu thuật u não, phẫu thuật thay khớp gối, khớp háng… được thực hiện bằng phương pháp tiên tiến, hiện đại, ít xâm lấn, kết quả phục hồi nhanh... Với những kết quả đã đạt được, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã nhận được Bằng khen, Cờ thi đua xuất sắc của Chính phủ, các cấp Bộ, ngành, tỉnh về việc tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, trong đó phải kể đến Bằng khen của Thủ tướng chính phủ, giai đoạn 5 năm (2011 – 2016).

Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã và đang có những bước phát triển vượt bậc trên nhiều lĩnh vực. PGS. Tiến sĩ có thể chia sẻ thêm về những kế hoạch phát triển tiếp theo của Bệnh viện không, thưa PGS?  

71 năm xây dựng và phát triển, 62 năm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh kể từ ngày Người về thăm, ngày nay Bệnh viện đã có sự phát triển vượt bậc ở nhiều lĩnh vực. Đây là công lao của tất cả các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, viên chức Bệnh viện trong nhiều năm qua. Cùng với đó là sự ủng hộ, quan tâm động viên, tạo điều kiện của Bộ Y tế, tỉnh Thái Nguyên để chúng tôi làm tốt vài trò, sứ mệnh theo lời Bác đã căn dặn. Trong thời gian tới, Bệnh viện sẽ tiếp tục tập trung phát triển nguồn nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn, tay nghề đội ngũ y, bác sỹ; đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo người dân miền núi được tiếp cận với nền y học hiện đại. Bên cạnh đó, một yếu tố quan trọng, quyết định sự phát triển lâu dài của Bệnh viện là y đức Chúng tôi sẽ chú trọng việc đào tạo, nâng cao kỹ năng chăm sóc, giao tiếp, thái độ ứng xử của nhân viên y tế với người bệnh, người nhà người bệnh, hướng tới sự hài lòng một cách toàn diện. Đồng thời phát huy tinh thần, sức mạnh đoàn kết; ứng dụng chuyển đổi số - với mục tiêu hướng tới số hóa Bệnh viện. 

Ngoài là Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, nhân dân đã quen thuộc với hình ảnh của PGS.TS. Nguyễn Công Hoàng với vai trò là một Đại biểu Quốc hội cùng nhiều ý kiến tâm huyết của ông trên các diễn đàn, kỳ họp Quốc hội. Với sự phát triển của hệ thống chăm sóc sức khỏe nhân dân hiện nay của tỉnh Thái Nguyên thì điều gì khiến ông trăn trở, thưa ông? 

Là người Đại biểu Quốc hội, trong các chương trình tiếp xúc cử tri, tôi được lắng nghe rất nhiều ý kiến của người dân về lĩnh vực Y tế, trong đó việc chăm sóc sức khỏe cho người dân miền núi, người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa là nội dung được đông đảo các bậc cử tri quan tâm. Đây cũng là nội dung mà các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ; đồng chí Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng bộ Công an đặc biệt quan tâm khi lên thăm và làm việc tại Bệnh viện. Với vai trò của người Đại biểu Quốc hội, có 3 vấn đề tôi rất trăn trở là: Y tế cơ sở; chế độ chính sách đối với cán bộ làm y tế cơ sở và làm thế nào để cán bộ y tế không bị chảy máu chất xám? Thực tế hiện nay, y tế cơ sở đang bị chia nhỏ ở các đơn vị phường, xã; chế độ tiền lương, phụ cấp cho cán bộ y tế cơ sở quá thấp; việc giữ chân cán bộ giỏi, được đào tạo chuyên môn ở các cơ sở y tế công lập đang gặp nhiều khó khăn, nhiều cán bộ xin nghỉ hoặc chuyển công tác. 

Với những trăn trở ông vừa nêu, trên cương vị là người Đại biểu Quốc hội, trong thời gian tới, trên các diễn đàn, các kỳ họp Quốc hội những nội dung này sẽ được ông đề cập như thế nào?

Trong kỳ họp tới, Quốc hội sẽ thảo luận nhiều nội dung quan trọng và một trong những nội dung được Quốc hội tập trung quan tâm là Luật Khám chữa bệnh. Chúng tôi sẽ kiến nghị với Chính phủ, Bộ Y tế và các Ngành về việc sửa đổi, điều chỉnh các Luật cho phù hợp để Ngành Y tế làm đúng chức năng, nhiệm vụ đối với sự nghiệp chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây cũng là nội dung tôi cho rằng sẽ có nhiều ý kiến của nhiều đại biểu cùng đề cập đến vấn đề này trong nghị trường sắp tới. 

Xin được cảm ơn PGS.TS. Nguyễn Công Hoàng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Đại biểu Quốc hội khóa XV.