Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não là bệnh xảy ra đột ngột và cấp tính, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Tuổi càng cao nguy cơ bị đột quỵ càng lớn, trong đó người từ 50 tuổi trở lên chiếm trên 83% ca đột quỵ. Để có những thông tin đầy đủ, chính xác hơn về bệnh đột quỵ, Minh Tâm (MT) - Tổ truyền thông, Phòng CTXH - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã có cuộc phỏng vấn với BSCKII. Bùi Thị Huyền – Trưởng khoa Thần kinh - Phụ trách Trung tâm Đột quỵ về vấn đề này.

MT: Xin chào BSCKII. Bùi Thị Huyền - Phụ trách Trung tâm Đột quỵ của Bệnh viện. Trước hết bác sỹ có thể chia sẻ rõ hơn về tình hình, diễn biến bệnh đột quỵ tại Việt Nam và thế giới.

BSCKII. Bùi Thị Huyền: Đột quỵ não là nguyên nhân tử vong đứng thứ 2 trên thế giới nhưng là nguyên nhân hàng đầu gây tàn phế, làm giảm chất lượng cuộc sống. Những người sống sót có thể để lại di chứng và tàn tật suốt đời, là gánh nặng với người nhà bệnh nhân và xã hội. Trên thế giới, bệnh đột quỵ rất được quan tâm. Ở những nước tiên tiến đã thành lập Trung tâm Đột quỵ và có hệ thống cảnh báo đột quỵ đến người dân. Họ được được cấp một mã code, khi có các dấu hiệu về đột quỵ có thể liên hệ trực tiếp với các Trung tâm Đột quỵ để được cứu chữa kịp thời. Tại Việt Nam, tỷ lệ người mắc đột quỵ xu hướng tăng cao những năm gần đây, mỗi năm có khoảng 200.000 ca mắc mới. Hiện nay có rất nhiều phương pháp, khoa học tiên tiến điều trị bệnh đột quỵ, cứu sống người bệnh, giúp người bệnh có thể hoàn toàn trở về cuộc sống bình thường. 

MT: Vậy những dấu hiệu nào để nhận biết đột quỵ và cách sơ cấp cứu như thế nào thưa bác sĩ?

BSCKII. Bùi Thị Huyền: Để phát hiện những dấu hiệu của bệnh đột quỵ rất dễ và đơn giản. Người bệnh đang khỏe mạnh đột ngột xuất hiện một trong các dấu hiệu như: nói khó, nét mặt mất cân đối, một bên tay chân không nâng được… Trường hợp bệnh nhân bị nặng có thể đột ngột đi vào hôn mê. Cách xử trí tức thời là đỡ người bệnh nằm trên mặt phẳng cứng, để đầu nghiêng 30 độ, nghiêng sang một bên giúp người bệnh tránh nôn và sặc vào đường thở. Nếu bệnh nhân bất tỉnh, ngừng tim phải cấp cứu ép tim ngay để tim đập trở lại, hô hoán và gọi người đến cùng cứu trợ. Đối với bệnh nhân bị co giật phải dùng đũa hoặc vật bằng gỗ ngáng qua miệng, tránh bệnh nhân cắn vào lưỡi. Trong quá trình sơ cứu cần gọi ngay xe cấp cứu, đưa bệnh nhân đến Bệnh viện có khả năng cứu chữa đột quỵ một cách nhanh nhất. 

MT: Vậy với tỷ lệ người bị đột quỵ tăng cao mỗi năm và diễn biến phức tạp của bệnh thì hiện nay kỹ thuật cũng như phác đồ điệu trị chung dành cho bệnh nhân đột quỵ là như thế nào? Và tại Trung tâm đang thực hiện những kỹ thuật gì trong điều trị, cứu chữa bệnh nhân đột quỵ?

BSCKII. Bùi Thị Huyền: Hiện nay, nhờ những phương pháp tiên tiến trong cấp cứu và xử trí đột quỵ, tỷ lệ bệnh nhân được cấp cứu khỏi bệnh rất cao. Tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chúng tôi đang áp dụng hầu hết tất cả các kỹ thuật mới trong chẩn đoán và cấp cứu đột quỵ như: Tiêu sợi huyết, lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học, đặt Stent mạch não và nút mạch não. Các kỹ thuật này được tiến hành từ năm 2016. Hàng năm, số bệnh nhân được cứu sống, không để lại di chứng nhờ can thiệp các kỹ thuật này khoảng hơn 200 bệnh nhân. Trong đó:

- Tiêu sợi huyết là kỹ thuật được thực hiện ngay trên bàn chụp cắt lớp vi tính sọ não để rút ngắn thời gian “cửa kim” và giúp người bệnh hồi phục nhanh nhất. Tiêu sợi huyết là thuốc khi tiêm vào não có khả năng làm tan cục máu đông, mạch máu não được lưu thông, bệnh nhân được hồi phục hoàn toàn. Thời gian để áp dụng kỹ thuật này là từ khi bệnh nhân bắt đầu bị bệnh đến khi được tiêm thuốc tiêu sợi huyết là 4,5h. 

- Với trường hợp bệnh nhân khi chụp mạch máu não có tắc mạch lớn thì chúng tôi sử dụng kỹ thuật lấy huyết khối bằng dụng cụ cơ học - đưa dụng cụ vào trong lòng mạch để lấy cục máu đông ra, giúp mạch máu được lưu thông, giúp bệnh nhân có thể hồi phục hoàn toàn. Thời gian để áp dụng kỹ thuật hút huyết khối là từ khi bệnh nhân bắt đầu bị bệnh đến khi thực hiện kỹ thuật là 6h. Nếu như người bệnh đến viện sau thời gian này thì khó chỉ định hai kỹ thuật can thiệp, người bệnh có thể tử vong hoặc tàn phế. 

MT: Được biết cùng với trình độ, kinh nghiệm, sự nỗ lực, hết lòng vì người bệnh của mỗi y, bác sỹ của Trung tâm thì đơn vị đã có sự phối kết hợp với các Khoa chuyên môn như thế nào trong điều trị đột quỵ tại đơn vị?

BSCKII. Bùi Thị Huyền: Cấp cứu đột quỵ não được ví như cấp cứu tối cấp, phụ thuộc vào thời gian. Nếu bệnh nhân không được cấp cứu kịp thời, tế bào não sẽ bị tổn thương và khả năng hồi phục rất khó. Vì vậy, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã và đang thực hiện quy trình cấp cứu đột quỵ theo nhóm Team work, nhóm “báo động đỏ” được thành lập trên Zalo bao gồm các bác sĩ Cấp Cứu, bác sĩ đột quỵ và Chẩn đoán hình ảnh. Quy trình tiếp đón bệnh nhân đột quỵ được thực hiện như sau:

- Khoa Cấp cứu: tiếp đón bệnh nhân ban đầu, phát hiện triệu chứng đột quỵ và thông báo lên hệ thống báo động đỏ nội viện. 

- Trung tâm Chẩn đoán hình ảnh: Khảo sát cắt lớp vi tính sọ não, cắt lớp vi tính mạch máu não giúp chẩn đoán đột quỵ não cấp. 

- Trung tâm Đột quỵ: Đưa ra quyết định chẩn đoán và chỉ định thực hiện phác đồ điều trị.

Hiện nay, Trung tâm đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã phối hợp với Vinbrain thực hiện phần mềm “quét mã QR để chẩn đoán nhanh đột quỵ” trên Zalo. Theo đó, người bệnh khi bị đột quỵ có thể truy cập vào phần mềm chẩn đoán nhanh đột quỵ và gửi các thông tin về Trung tâm Đột quỵ. Các bác sĩ khi nhận được thông tin sẽ có hướng dẫn và chuẩn bị để tiếp đón bệnh nhân. Phần mềm này đã giúp kết nối bệnh nhân với Trung tâm; giúp cho bệnh nhân đột quỵ được chẩn đoán và điều trị nhanh nhất có thể.

MT: Với những kết quả tích cực đã đạt được trong công tác điều trị, cứu chữa người bệnh đột quỵ, Trung tâm Đột quỵ đã được Hội Đột quỵ thế giới chứng nhận là đơn vị điều trị đột quỵ đạt tiêu chuẩn Châu Âu trong công tác điều trị các bệnh nhân đột quỵ theo chuẩn Bạch Kim - Platium. Đây thực sự là vinh dự của Trung tâm nói riêng, Bệnh viện nói chung. Vậy để duy trì kết quả này, chiến lược phát triển kỹ thuật mới, tiên tiến trong điều trị, cứu chữa bệnh nhân đột quỵ của Trung tâm trong thời gian tới như thế nào?

BSCKII. Bùi Thị Huyền: Để đạt được tiêu chuẩn Bạch Kim theo tiêu chuẩn đơn vị đột quỵ Châu Âu là một nỗ lực rất lớn của Đảng ủy, Ban Giám đốc Bệnh viện cũng như các bác sỹ các Khoa chuyên môn. Do đó, để duy trì Chứng nhận này cũng như phát triển hơn nữa các kỹ thuật mới, đem lại lợi ích cho người bệnh đột quỵ, Trung tâm Đột quỵ đưa ra một số chiến lược:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền cho người dân những dấu hiệu nhận biết về đột quỵ cũng như chăm sóc sức khỏe và dự phòng sau điều trị. 

- Triển khai rộng rãi ứng dụng cảnh báo đột quỵ tới người dân và trên Zalo nhằm tiếp nhận thông tin hai chiều giữa bác sỹ và người bệnh. 

- Phát triển mạnh khoa học kỹ thuật, đào tạo nguồn nhân lực và hỗ trợ các tuyến về chương trình hỗ trợ, cảnh báo bệnh đột quỵ. 

MT: Xin được cảm ơn BSCKII. Bùi Thị Huyền - Trưởng Khoa Thần kinh, phụ trách Trung tâm Đột quỵ - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên với những chia sẻ hết sức hữu ích. Chúc bác sỹ Huyền cùng đội ngũ y, bác sỹ luôn có sức khỏe tốt, hết lòng cứu chữa người bệnh, đưa Trung tâm Đột quỵ ngày càng phát triển, trở thành chỗ dựa tin cậy của người bệnh. 

* Một số hình ảnh trong công tác điều trị đột quy tại Khoa Thần kinh - Trung tâm Đột quỵ.

Phục hồi chức năng cho người bệnh đột quỵ

Tuyên truyền cho người dân những dấu hiệu nhận biết về đột quỵvà giáo dục sức khỏe sau điều trị