Cột sống được xem như trụ cột chống đỡ sức nặng của trọng lượng cơ thể. Các bệnh lý liên quan cột sống, tuy không chết người nhưng lại gây tàn phế rất cao. Bệnh lý ở cột sống khá đa dạng, thường được nhắc đến dưới những tên gọi quen thuộc như thoái hóa cột sống, thoát vị đĩa đệm, cong vẹo, chấn thương cột sống... Tuy nhiên, nhóm bệnh lý này có nhiều nguyên nhân khác nhau, tại nhiều bộ phận khác nhau, gặp phải ở tất cả các lứa tuổi, ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt của người bệnh. Bởi vậy, việc phát hiện sớm và điều trị đúng cách sẽ giúp người bệnh cải thiện chất lượng cuộc sống một cách rõ rệt.

 Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chiến – Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh – Cột sống thăm khám bệnh nhân sau phẫu thuật 

Bị thoát vị đĩa đệm đã 6 năm nay do một lần va chạm giao thông, chị Vi Thị Kiều, 45 tuổi đến từ Lạng Sơn đã áp dụng nhiều phương pháp điều trị như sử thuốc Đông y, châm cứu nhưng tình trạng bệnh vẫn không cải thiện. Tuy nhiên sau khi được điều trị tại khoa Ngoại thần kinh - Cột sống và chẩn đoán thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, gây hẹp ống sống, chèn ép rễ thần kinh, sau 24h mổ nội soi, sức khoẻ hiện tại của chị đã ổn định, có thể đi lại nhẹ nhàng.

Đối với bà Hà Thị Dung - 65 tuổi đến từ huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Cạn, căn bệnh thoát vị đĩa đệm đa tầng khiến bà không thể đi lại được trong suốt 2 tháng qua. Những cơn đau buốt dày vò khiến sức khỏe của bà giảm sút nhiều. Sau thời gian được Khoa tiếp nhận điều trị, sức khỏe của bà đang dần ổn định, có thể xuất viện vài ngày tới.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chiến - Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh - Cột sống cho biết: Phẫu thuật nội soi là một kỹ thuật nổi bật được Khoa nói riêng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói chung áp dụng trong điều trị các bệnh lý cột sống đã mang lại rất nhiều lợi ích cho công tác điều trị cũng như sức khoẻ của người bệnh. Vì đau lưng tai cột sống có nhiều nguyên nhân gây ra, có thể đau tại xương, đĩa đệm giữa các đốt sống, dây chằng quanh cột sống, tủy sống và rễ, dây thần kinh, cơ dọc lưng. Mỗi cơ quan bị tổn thương sẽ có những biểu hiện khác nhau. Do đó, việc đến khám kịp thời để được các bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán đúng thể bệnh sẽ giúp cho người bệnh có hướng điều trị đúng và đạt hiệu quả.

Để giúp bệnh nhân, người dân hiểu rõ hơn về nhóm bệnh lý cột sống cũng như các phòng tránh, điều trị, Tổ Truyền thông - Phòng CTXH Bệnh viện đã có cuộc trao đổi nhanh với Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chiến, Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh – Cột sống, BV TWTN về vấn đề này.

1. Bác sỹ cho biết bệnh lý cột sống là gì và các dạng bệnh lý về cột sống thường gặp?

Bệnh lý cột sống là nhóm bệnh, nhiều bệnh khác nhau, có thể chia các nhóm mắc phải, nhóm thoái hoá, nhóm chấn thương và nhóm bẩm sinh. Trong đó nhóm điều trị hay gặp nhất tại Khoa Ngoại thần kinh - Cột sống là nhóm chấn thương do tai nạn giao thông, tai nạn lao động gây ra chấn thương cột sống và nguy cơ gây liệt. Đối với nhóm bẩm sinh, điển hình như thoát vị màng tuỷ, biến dạng cột sống do giải phẫu như gù, vẹo hay nhóm bệnh cột sống bị thoái hoá thường gặp ở những người cao tuổi, những người hay phải lao động nặng gây ra tổn thương cột sống kéo dài, bệnh loãng xương gây lún đốt sống cũng đang khá phổ biến.

2. Vậy thì hiện nay tại khoa Ngoại thần kinh – Cột sống đã và đang áp dụng những phương pháp điều trị các bệnh lý cột sống nào và tính ưu việt của các phương pháp đó là gì thưa bác sĩ?

Đối với Khoa Ngoại thần kinh - Cột sống, khoa chuyên phẫu thuật, điều trị các bệnh lý về cột sống đã cơ bản triển khai được tất cả các kỹ thuật của Bệnh viện hạng đặc biệt. Xu thế mổ can thiệp tối thiểu và điều trị được bệnh tối đa, mang lại hiệu quả tích cực cho người bệnh sau mổ, chúng tôi đã triển khai kỹ thuật phẫu thuật nội soi. Và hiện nay, Khoa đang triển khai thu thập bệnh nhân để triển khai phẫu thuật vùng vẹo ở trẻ nhỏ, tăng tính thẩm mỹ và cải thiện cuộc sống cho người bệnh sau khi được điều trị. 

3. Để người dân có thể chủ động phòng ngừa các bệnh lý về cột sống thì bác sỹ có những khuyến cáo gì ?

Để giảm thiểu các bệnh lý về cột sống đối với trẻ nhỏ, các phụ huynh cần lưu ý dáng ngồi của trẻ. Khi thấy trẻ có dáng ngồi không bình thường, gấp góc nên đưa trẻ đến các cơ sở y tế thăm khám để sớm phát hiện và có phương pháp điều trị phù hợp. Đối với nhóm người trung niên và người cao tuổi, khi có biểu hiện đau mỏi vùng thắt lưng, cột sống cổ dẫn đến hạn chế lao động, sinh hoạt hàng ngày nên đến ngay các các sở y tế để được tư vấn điều trị. Tuỳ theo nhóm bệnh sẽ có các phương pháp điều trị khác nhau như điều trị nội khoa, phục hồi chức năng, y học cổ truyền hay điều trị ngoại khoa.

Xin được cảm ơn Tiến sĩ, bác sĩ Trần Chiến - Phó trưởng khoa Ngoại thần kinh - Cột sống về những chia sẻ vừa rồi. Những chia sẻ từ chuyên gia sẽ giúp người bệnh, người dân xây dựng lối sống sinh hoạt lành mạnh, chế độ ăn uống, luyện tập hợp lý để có thể chủ động phòng tránh các bệnh lý liên quan đến cột sống.