Ung thư gan, chủ yếu là ung thư biểu mô tế bào gan, gọi tắt là ung thư tế bào gan (UTTBG), là một trong những loại ung thư thường gặp nhất và là nguyên nhân gây tử vong do ung thư đứng hàng thứ 3, sau ung thư phổi và ung thư dạ dày. Tỷ lệ mắc UTTBG khác nhau giữa các vùng địa lý trên thế giới, do liên quan đến sự khác biệt về tần suất của các yếu tố nguy cơ, trực tiếp nhất là tình trạng nhiễm virút viêm gan B và C mạn tính. Việt Nam nằm trong số những quốc gia có tỷ lệ mắc UTTBG cao nhất thế giới, phù hợp với tỷ lệ nhiễm virút viêm gan B và C rất cao. Theo số liệu mới nhất, ở nước ta hiện nay ung thư gan là loại ung thư đứng hàng thứ 2 chỉ sau ung thư phổi và là loại ung thư gây tử vong hàng đầu ở nam giới.

Khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu tiến hành phẫu thuật cắt gan cho bệnh nhân ung thư gan

  Theo thống kê của Trung tâm Ung bướu Thành phố Hồ Chí Minh (2009), ung thư gan nguyên phát chiếm hàng đầu trong các loại ung thư ở nam (21,4%) và là một trong hai loại ung thư dẫn đầu tính chung cho cả hai giới (13,5%). Tần suất ung thư gan tại Thành phố Hồ Chí Minh là 38,2/100.000 dân cao hơn các nước trong khu vực như Philipine: 12,1/100.000. Ở Châu Á và Châu Phi phần lớn bị nhiễm virus viêm gan B từ mẹ hoặc từ lúc còn nhỏ nên tỷ lệ trở thành viêm gan B mạn tính rất cao dẫn đến tỷ lệ mắc ung thư gan cao hơn các nước có tỷ lệ nhiễm virus viêm gan B thấp. Theo ước tính thống kê dịch tễ viêm gan virus và ung thư gan toàn cầu chỉ ra tần suất ung thư gan ở Việt Nam là 29,5/100.000 dân và tỉ lệ nam/nữ là 4,1. Như vậy, tỷ lệ ung thư gan ở nước ta chiếm tỷ lệ cao điều này cũng phù hợp vì nước ta cũng có những đặc điểm dịch tễ học phù hợp với khu vực Đông Nam Á, nơi có tỷ lệ nhiễm viêm gan B cao. Các nghiên cứu của các tác giả đều chỉ ra rằng HCC phổ biến tại Việt Nam ở lứa tuổi 40-60; tỷ lệ nam/nữ khoảng 3-7; và tỷ lệ bệnh nhân HCC có kháng nguyên bề mặt virus viêm gan B: HbsAg(+) là khoảng 60-90%, còn bệnh nhân HCC có xét nghiệm antiHCV (+) 5-25%.

Ca phẫu thuật được thực hiện thành công

  Năm 2018, khoa Khám chữa bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã triển khai phẫu thuật cắt gan thành công, điển hình là bệnh nhân N.Q.H (44 tuổi), địa chỉ tại phường Tích Lương, TP. Thái Nguyên bị mắc Viêm gan B dẫn đến K gan. Bệnh nhân đã được các y, bác sĩ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và các Giáo sư, Bác sỹ đầu ngành Gan mật của Việt Nam tiến hành phẫu thuật cắt gan trung tâm, sau khi mổ theo dõi định kỳ 1 tháng/lần, đến thời điểm hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân có những diễn biến tốt, ổn định.

  Như vậy, phẫu thuật vẫn được xem là phương pháp điều trị tối ưu cho UTTBG. Tuy nhiên, đây là một phẫu thuật phức tạp và đòi hỏi cơ sở phẫu thuật lớn với trình độ con người và phương tiện hiện đại, phương pháp này chỉ có thể áp dụng cho khoảng 20-30% số trường hợp tại thời điểm chẩn đoán, do tình trạng khối u gan cùng với bệnh lý gan tiềm tàng làm cản trở đến chỉ định phẫu thuật.

Tổ truyền thông – P.CTXH