Chiều 17/4 tại Hội trường Lớn Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã diễn ra trọng thể Đại hội Liên Chi hội Truyền nhiễm các tỉnh Miền núi phía Bắc lần thứ Nhất (Liên Chi hội), nhiệm kỳ 2023 - 2028. Dự Đại hội có GS.TS Nguyễn Văn Kính - Phó Chủ tịch thường trực Tổng Hội Y học Việt Nam; TS. Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam; TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Tổng thư ký Chủ tịch Hội Truyền Nhiễm Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu Bệnh nhiệt đới; PGS.TS Trịnh Thị Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Gan Mật Việt Nam; Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Thái Nguyên, Bắc Kạn, các Bệnh viện, Trung tâm kiểm soát Bệnh tật, Trung tâm Y tế các huyện, thành phố trực thuộc tỉnh Thái Nguyên.

Đại biểu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên có PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc bệnh viện, Đại biểu Quốc hội khoá XV; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng uỷ, Ban Giám đốc, lãnh đạo các Khoa, Phòng, Trung tâm của Bệnh viện cùng gần 200 Đại biểu là Lãnh đạo, Bác sỹ, Điều dưỡng, Kỹ thuật viên đang công tác tại Khoa Truyền nhiễm và Trung tâm kiểm soát bệnh tật 13 tỉnh Miền núi phía Bắc. 

T

Toàn cảnh Đại hội

Phát biểu khai mạc Đại hội, TS. Lê Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Bệnh viện nhấn mạnh: Cùng với sự phát triển của chuyên ngành trong nền y học nước nhà, sự thay đổi mô hình bệnh tật, sự gia tăng của các tác nhân gây bệnh… Ngành truyền nhiễm cũng đã phát triển không ngừng thông qua chỉ đạo chung của Ngành Y tế, Tổng hội Y Học Việt Nam, Hội Truyền nhiễm Việt Nam. Theo đó, việc thành lập Liên chi hội Truyền Nhiễm các tỉnh miền núi phía Bắc là rất cần thiết đối với hoạt động chuyên môn trong lĩnh vực truyền nhiễm và HIV/AIDS, góp phần nâng cao chất lượng công tác chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân, nâng cao kỹ thuật điều trị các bệnh nhiễm khuẩn nói chung, HIV/AIDS nói riêng cũng như đẩy mạnh nghiên cứu khoa học chuyên ngành. (Ảnh)

Liên Chi hội Truyền nhiễm các tỉnh Miền núi phía Bắc là tổ chức xã hội nghề nghiệp, được thành lập với mục đích tập hợp, đoàn kết chặt chẽ các hội viên, cùng nhau học tập, trau dồi kinh nghiệm, đạo đức, nghiên cứu khoa học kỹ thuật, phát huy tác dụng nghề nghiệp, góp phần vào việc xây dựng và phát triển ngành Truyền nhiễm. Liên Chi hội được thành lập trên cơ sở thành lập Ban vận động Liên chi hội Truyền Nhiễm các tỉnh miền núi phía Bắc theo Quyết định số 46/QĐ-HTNVN ngày 16/1/2023 của Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam. Sau 3 tháng vận động, Liên Chi hội đã thu hút trên 200 hội viên là cán bộ y tế làm công tác quản lý, khoa học, đào tạo, các cán bộ y tế ở các chuyên ngành như Truyền nhiễm, Nội, Hồi sức tích cực, Nhi, Vi sinh, Sinh hoá, Huyết học, Miễn dịch phân tử, Dự phòng, HIV/AIDS … đến từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Trường Đại học Y - Dược Thái Nguyên, các Sở Y tế và các bệnh viện tuyến tỉnh, trung tâm Kiểm soát bệnh tật và các trung tâm y tế trên địa bàn các tỉnh miền núi phía Bắc tham gia. 

TS. Nguyễn Tuấn Khanh - Tổng Thư ký Hội Truyền nhiễm Việt Nam, Phó viện trưởng Viện Đào tạo và nghiên cứu Bệnh nhiệt đới trao Quyết định thành lập Liên Chi hội cho TS. Lê Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Bệnh viện, Chủ tịch Liên Chi hội 

Tại Đại hội, các Đại biểu đã tập trung thảo luận, thông qua Dự thảo Phương hướng hoạt động và Điều lệ gồm 7 chương, 21 điều. Theo đó, trong nhiệm kỳ đầu tiên 2023 - 2028, Liên Chi hội đề ra 6 phương hướng hoạt động, là: Nâng cao Y đức; Phát triển khoa học kỹ thuật; Tăng cường hoạt động đào tạo; Trao đổi thông tin khoa học; Nghiên cứu khoa học và Hợp tác quốc tế. Trụ sở hoạt động của Liên Chi hội được đặt tại khoa Bệnh nhiệt đới - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên.   

Trên tinh thần trách nhiệm, nghiêm túc, Đại hội đã nhất trí biểu quyết bầu 29 đồng chí vào Ban Chấp hành khoá I, nhiệm kỳ 2023 - 2028. Tiến sỹ Lê Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Liên Chi hội. 

TS. Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam tặng hoa chúc mừng BCH Liên Chi hội Hội Truyền nhiễm các tỉnh Miền núi phía Bắc khoá I, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Phát biểu tại Đại hội, TS. Phạm Ngọc Thạch - Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cho biết: Sau Đại hội này, trên cả nước đã có 3 Liên Chi hội Truyền nhiễm, gồm: Liên Chi hội Truyền nhiễm khu vực miền Tây, miền Trung và Miền núi phía Bắc. Việc thành lập các Liên Chi hội theo khu vực cũng là định hướng phát triển chung chuyên ngành truyền nhiễm của Hội Truyền nhiễm và Hội Y khoa lâm sàng HIV/AIDS Việt Nam. Tiến sỹ mong muốn sau thành công của Đại hội lần thứ Nhất, Liên Chi hội sẽ ngày càng phát triển, phát huy khả năng tập hợp và sức mạnh của các cán bộ y tế trong lĩnh vực truyền nhiễm cũng như trong lĩnh vực HIV/AIDS tại khu vực miền núi phía Bắc, góp phần vào sự phát triển chung của chuyên ngành Truyền nhiễm - HIV/AIDS cả nước. (Ảnh)

Đến dự và phát biểu chúc mừng thành công Đại hội, PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc bệnh viện, Đại biểu Quốc hội khoá XV thêm một lần nữa khẳng định vai trò của chuyên ngành truyền nhiễm, đặc biệt trong thời điểm dịch COVID-19 đang có dấu hiệu bùng phát trở lại. Theo đó, trong thời gian tới, với vai trò là đơn vị đăng cai, có trụ sở đặt tại Bệnh viện, Bệnh viện sẽ dành nhiều sự quan tâm, tạo điều kiện hơn nữa để Liên Chi hội hoạt động và ngày càng phát triển.

PGS.TS Nguyễn Công Hoàng - Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc bệnh viện, Đại biểu Quốc hội khoá XV tặng hoa chúc mừng BCH Liên Chi hội Hội Truyền nhiễm các tỉnh Miền núi phía Bắc khoá I, nhiệm kỳ 2023 - 2028

Ngay sau Đại hội đã diễn ra Hội nghị khoa học với nhiều nội dung thiết thực được báo cáo, gồm: Vai trò của các dấu ấn sinh học trong chẩn đoán và tiên tượng nhiễm khuẩn huyết và shock nhiễm khuẩn; Cập nhật chẩn đoán và điều trị viêm gan B,C; Căn nguyên nhiễm khuẩn huyết và mức độ kháng kháng sinh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên./.