Hơn một tuần qua, hàng nghìn chiến sỹ áo trắng trong cả nước đã tạm xa gia đình, có mặt ở TP Hồ Chí Minh hỗ trợ địa phương chống dịch, tích cực cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19. Và câu chuyện của điều dưỡng Hoàng Thị Diễm, Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện TW Thái Nguyên) trong những ngày đầu tham gia “chiến đấu” tại tâm dịch sẽ giúp chúng ta hiểu thêm những khó khăn, vất vả cùng sự hy sinh thầm lặng của người chiến sỹ áo trắng nơi tuyến đầu. 

8h55 phút ngày 13/7/2021, đoàn xe đưa 79 cán bộ y tế của Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 chuẩn bị chuyển bánh. Trong giây phút ấy, điều dưỡng Hoàng Thị Diễm ngậm ngùi: “Anh ở nhà giữ gìn sức khỏe, thay em chăm sóc hai con thật tốt. Em đi rồi sẽ sớm trở về. Hai con ở nhà ngoan, nghe lời bố và ông bà. Hết dịch mẹ sẽ về, gia đình ta sẽ đoàn tụ. ” 

Điều dưỡng Hoàng Thị Diễm xúc động chia tay chồng và hai con trước giờ lên đường

Sau những lời dặn dò vội vã, đoàn xe đưa chị Diễm cùng 78 bác sỹ, điều dưỡng và kỹ thuật viên lên đường nhận nhiệm vụ. Có lẽ đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, chị cùng các đồng nghiệp có chuyến công tác chỉ biết ngày đi mà chưa rõ ngày về… Nhìn bóng vợ theo đoàn xe xa dần, anh Phạm Văn Cường, chồng chị Diễm xúc động nói: Tôi và hai con rất tự hào khi có người vợ, người mẹ là những chiến sỹ áo trắng tình nguyện tham gia chi viện cho TP Hồ Chí Minh chống dịch Covid-19 lần này. Chỉ mong vợ luôn mạnh khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cùng đội ngũ y, bác sỹ trong cả nước chung tay đẩy lùi dịch bệnh Covid tại thành phố Hồ Chí Minh, sớm trở về đoàn tụ với gia đình. Đối với chị Trịnh Thị Ngần, Điều dưỡng trưởng Khoa Tai - Mũi - Họng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, chị cũng rất tự hào về người đồng nghiệp trẻ: Ngay sau khi Khoa nhận được Quyết định của Bộ Y tế về việc điều động nhân lực y tế hỗ trợ phòng chống dịch tại TP Hồ Chí Minh, không chần chừ, điều dưỡng Diễm đã xung phong tình nguyện tham gia. Chúng tôi cũng cân nhắc rất nhiều vì đồng chí Diễm hai con còn nhỏ, chồng lại đi làm ca kíp, việc điều phối thời gian chăm sóc gia đình, con cái rất khó khăn. Nhưng trước thái độ kiên quyết và tinh thần hăng hái lên đường của đồng chí, Khoa rất ghi nhận và đồng ý để đồng chí Diễm tham gia đoàn chi viện.

Tạm xa gia đình, dấu nỗi nhớ giọng nói, nụ cười con thơ vào lòng, chị Diễm cùng các đồng nghiệp bắt đầu chuỗi ngày sống và làm việc tại TP Hồ Chí Minh với nhiệm vụ chính là tham gia điều trị, cứu chữa bệnh nhân mắc Covid-19 ở Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp. Trong những cuộc điện thoại gọi về vội vã, chị Diễm cho biết: Tại đây, chúng tôi làm việc theo ca. Theo đó, ca sáng làm 7 tiếng, từ 7h - 14h; ca chiều làm 8 tiếng, từ 14h đến 22h và ca đêm làm 9 tiếng, từ 22h đến 7h sáng ngày hôm sau, đảm bảo luôn có lực lượng y tế làm việc 24/24 giờ. Trong suốt ca trực, chúng tôi không ăn, không uống nước, không đi vệ sinh, áp dụng tối đa mọi biện pháp phòng dịch. Bên cạnh đó, do Bệnh viện điều trị 100% bệnh nhân Covid nên ngoài công việc chuyên môn, tôi và các đồng nghiệp cũng là người nhà duy nhất của bệnh nhân, cùng thay nhau chăm sóc, giúp đỡ họ ở “ngôi nhà đặc biệt” này. Trong tuần đầu tiên, tôi được phân công làm việc ở tầng 5 với 84 bệnh nhân mắc Covid. Trong điều kiện thời tiết nóng bức của mùa hè, lại mặc thêm bộ bảo hộ kín mít nên sau mỗi ca làm việc, tay ai cũng nhăn nheo hết cả, trên người không còn chỗ nào khô ráo, khuôn mặt hằn lên vết tì của khẩu trang, của mũ và toàn thân rã rời. Thậm chí nhiều lúc khát quá nhìn thấy chai nước sát khuẩn chỉ muốn uống một hơi cho đã cơn khát. Những hôm ca đêm, mỗi khi quá mệt mỏi, chúng tôi tranh thủ chợp mắt. Lúc này ghế đá, lan can, sân nền sẽ là giường; bầu trời ngàn sao là tấm màn che. Khó khăn, vất vả là thế nhưng vì chính những người bệnh đang nằm bất động trên giường, vì những ngày tháng tới không còn Covid và vì những người thân đang đợi ở quê nhà, chúng tôi sẽ luôn cố gắng và cố gắng thật nhiều hơn nữa. 

Chị Diễm tham gia hỗ trợ điều trị bệnh nhân Covid tại Bệnh viện Đa khoa Gò Vấp

“ Alo, anh à. Em vừa tan ca làm. Hôm nay tại Khoa đã có 40 bệnh nhân khỏi bệnh được ra viện. Mọi người ở đây vui lắm. Chỉ mong mỗi ngày số người khỏi bệnh tăng lên, số ca mắc mới giảm đi thì em sẽ mau được trở về với anh và con…  

 Anh và con ở nhà vẫn khỏe, anh vẫn cố gắng sắp xếp công việc, thay em chăm sóc con tốt nên em yên tâm công tác nhé. Cố gắng ăn uống, giữ gìn sức khỏe, vững tinh thần cùng các đồng nghiệp hoàn thành tốt nhiệm vụ, cứu chữa thêm nhiều bệnh nhân khỏi bệnh…

 Mẹ ơi, mẹ có khỏe không? Mẹ sắp về nhà chưa, con và em Tôm mong mẹ về lắm… Mẹ sắp về rồi, hết dịch mẹ sẽ về với con…”

Công việc mỗi ngày cứ thế trôi đi. Những cuộc Video call trên Zalo sau mỗi giờ tan ca là giây phút chị Diễm mong chờ nhất. Bao mệt nhọc, vất vả được xua tan, khoảng cách Bắc - Nam như ngắn lại để lời hứa “ Hết dịch mẹ sẽ về” với hai con, với gia đình của chị Diễm sẽ không còn xa.