Thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển Y học cổ truyền Việt Nam theo nguyên tắc kết hợp Y học cổ truyền và Y học hiện đại, tại Thông tư số 50/2010- TT/BYT ngày 31/12/2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ Y tế đã có những hướng dẫn cụ thể trong việc thực hiện kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại trong khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở y tế. Trong những năm gần đây khoa Y học cổ truyền - Bệnh viện đa khoa Trung ương Thái Nguyên đã kết hợp với một số khoa khác trong Bệnh viện điều trị một số bệnh bằng phương pháp kết hợp giữa Y học cổ truyền và Y học hiện đại đạt hiệu quả, được người bệnh tin tưởng tín nhiệm.

1. Bí đái

          Y học cổ truyền điều trị các trường hợp bí đái cơ năng

          Khoa Y học cổ truyền đã điều trị một số trường hợp bí đái cơ năng rất hiệu quả bằng châm cứu và thuốc sắc uống. Hai khoa Sản và Nhi trong bệnh viện là các khoa phối hợp thường xuyên trong điều trị bệnh lý này. Hàng năm có khoảng 30 đến 40 ca được phối hợp điều trị. Một số ca bệnh cụ thể:

- Bệnh nhân Lê Xuân Ng , 17 tháng (MS:14012508, NHCC:1018), vào điều trị tại khoa Nhi lúc 16h ngày 30/06/2015 với các triệu chứng lâm sàng: sốt cao, bí đái.

          Chẩn đoán: Nhiễm khuẩn tiết niệu/bại não/hậu môn nhân tạo.

          Đã hội chẩn khoa Ngoại tiết niệu, Ngoại tổng hợp, không xử trí gì

          Ngày 02/7/2015 hội chẩn Khoa Y học Cổ truyền, chẩn đoán: Bí đái /bại não.

          Xử trí: Điện châm, xoa bóp, thuốc sắc.

          Sau 3 ngày điều trị trẻ tự tiểu được.

-  Bệnh nhân Mai Thị L, tuổi 33 (MS:0621777, ĐY 556), vào điều trị tại khoa Y học cổ truyền với chẩn đoán: Bí đái sau đẻ:

          Triệu chứng: Sau đẻ bệnh nhân không tự đi tiểu được, có cầu bàng quang.

          Sau 3 ngày điều trị tại khoa Y học cổ truyền bằng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thuốc sắc uống, bệnh nhân tự đi tiểu được.

2. Đau thần kinh trên hố

          Triệu chứng: bệnh nhân đau nhức quanh hố mắt, dọc cung lông mày hai bên. Khi người bệnh có các biểu hiện này thường sẽ khám tại phòng khám Mắt và điều trị tại khoa Mắt bằng các thuốc giảm đau chống viêm. Khoa Y học cổ truyền đã phối hợp với khoa Mắt kết hợp điều trị cho những người bệnh này bằng châm cứu, xoa bóp, thuốc bắc. Người bệnh giảm và hết đau nhanh, ít tái phát. Ca bệnh cụ thể:

- Bệnh nhân Nguyễn Thị H, tuổi 66 (MS:07167584, ĐY 222), vào điều trị với chẩn đoán đau thần kinh trên hố, sau hai đợt điều trị bằng châm cứu, xoa bóp bấm huyệt, thuốc sắc uống, bệnh nhân hết đau.

3. Nấc

          Nấc có thể là triệu chứng của một số bệnh thực thể, Y học cổ truyền chỉ tham gia điều trị các trường hợp nấc cơ năng. Khoa Y học cổ truyền đã phối hợp với khoa Lão khoa, Trung tâm Ung bướu, khoa Khám bệnh đa khoa điều trị khỏi triệu chứng nấc cho khoảng 20-25 ca hàng năm.

4. Di chứng tai biến mạch máu não

          Sau xuất huyết não hoặc nhồi máu não người bệnh còn có các triệu chứng như: Liệt vận động nửa người, rối loạn cảm giác, nói khó. Điều trị bằng các phương pháp Y học cổ truyền như thuốc uống, châm cứu, xoa bóp bấm huyệt sớm sẽ mang lại hiệu quả cao. Điều trị bằng Y học cổ truyền khi các chỉ số sinh tồn (mạch , nhiệt độ, huyết áp) của người bệnh đã ổn định (thường từ ngày thứ 12 trở đi). Hàng năm khoa đã nhận phục hồi di chứng cho khoảng 30 - 40 ca bệnh.

          Khoa Y học cổ truyền là cầu nối giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, thực hiện kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại trong khám, chữa bệnh tại Bệnh viện. Để phát huy hơn nữa chức năng, nhiệm vụ của khoa, trong thời gian tới khoa Y học cổ truyền tiếp tục tăng cường phối hợp điều trị bằng các phương pháp y học cổ truyền với các khoa lâm sàng khác trong Bệnh viện như điều trị giảm nhẹ, nâng cao thể trạng cho bệnh nhân ung thư, giảm đau trong các bệnh lý thần kinh, hạ men gan cho bệnh nhân ung thư sau truyền hóa chất. Phối hợp điều trị sỏi đường tiết niệu ≤ 1cm, tán sỏi ngoài cơ thể.