Sau 5 ngày được nội soi gắp bỏ viên pin điện tử hình cúc áo có đường kính 20mm trong thực quản và được theo dõi, điều trị tích cực tại Khoa Tai - Mũi - Họng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên), bệnh nhi Lý Quang Khải, sinh năm 2019, đến từ xã Yên Lãng, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên đã dần hồi phục sức khỏe, có thể xuất viện trong vài tới. 

Trước đó vào khoảng 9h ngày 3/11, sau khi tiếp nhận và nhận định tình trạng của bệnh nhi Lý Quang Khải là ca bệnh phức tạp nếu không xử trí kịp thời sẽ ảnh hưởng đến tính mạng nên tua trực đã nhanh chóng phối hợp với khoa GMHS tiến hành nội soi gắp dị vật cho bệnh nhi. Sau khi dị vật được gắp ra thành công, kiểm tra tại vị trí viên pin mắc lại đã có hiện tượng bỏng thực quản. Khác với những dị vật vô cơ khác, trường hợp dị vật viên pin mắc lại thực quản nếu không được can thiệp sớm sẽ gây ra một loạt các biến chứng nguy hiểm vì khi viên pin nằm lại ở thực quản nó vẫn còn hoạt động và có hiện tượng kiềm hóa xảy ra ở cực âm dẫn tới bỏng hóa chất kiềm tại thực quản. Tình trạng của bệnh nhân còn có thể bị nặng hơn do hiện tượng nhiễm độc kim loại và các hóa chất khác bị rò rỉ ra từ viên pin gây ra như: loét, hoại tử dần dần các lớp giải phẫu của thành thực quản dẫn tới thủng thực quản hoặc để lại di chứng hẹp thực quản về sau này.

Trước sự việc của bệnh nhi Lý Quang Khải, Ths.Bs Nguyễn Thị Phương Thúy - Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện khuyến cáo: Khi phát hiện thấy trẻ nuốt phải pin cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế có chuyên khoa Tai - Mũi - Họng gần nhất. Thời gian đến viện càng sớm, càng ít biến chứng xảy ra. Nếu dị vật bị hóc là pin Lithium, có đường kính trên 20mm sẽ dẫn tới những tổn thương thực quản nặng nề hơn. Do đó, việc xác định kích thước và chủng loại pin cũng như thời gian hóc rất có ý nghĩa trong việc tiên lượng bệnh.