Ngày 29/7, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tổ chức buổi sinh hoạt khoa học trực tuyến với chủ đề “Đổ xi măng tạo hình thân đốt sống trên bệnh nhân loãng xương”. PGS.TS. Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến dự và chủ trì buổi sinh hoạt.

PGS.TS. Dương Hồng Thái, Phó Giám đốc Bệnh viện, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Chỉ đạo tuyến phát biểu tại buổi sinh hoạt khoa học trực tuyến

Buổi sinh hoạt được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 10 điểm cầu tại các Bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện của: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Yên Bái, Bắc Kạn, Thái Nguyên và Bệnh viện Quân Y 91. Đây là một trong hình thức được tổ chức theo Đề án khám chữa bệnh từ xa, được Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên tổ chức hiệu quả trong thời gian qua, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 đang có những diễn biến rất phức tạp.

Buổi sinh hoạt được tổ chức theo hình thức trực tuyến tới 10 điểm cầu

Tình trạng xẹp - lún đốt sống, khiến cột sống bị giảm chiều cao và biến dạng. Bệnh lý này thường xuyên xảy ra chủ yếu ở đốt sống ngực và đốt sống thắt lưng, gây ra những cơn đau nhức khó chịu. Gãy xẹp lún cột sống xảy ra phổ biến ở phụ nữ trong giai đoạn mãn kinh, nhóm tuổi càng cao số lượng người bệnh càng tăng. Tuy nhiên, nam giới cũng có khả năng mắc bệnh, đặc biệt là những người cao tuổi. Bệnh nhân nếu đã từng bị xẹp lún cột sống sẽ có nguy cơ tái bệnh cao gấp 5 lần so với người bình thường. Theo ước tính, cứ khoảng 100 triệu người loãng xương thì có 3 triệu người bị xẹp lún cột sống.

Theo TS. Trần Chiến, Phó Trưởng khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, ngày nay phương pháp bơm xi măng sinh học tạo hình đốt sống qua da là thành tựu y học nổi bật, là phương pháp can thiệp tối thiểu, hiệu quả, bền vững, ít tai biến, giúp người bệnh giảm đau nhanh chóng. Bơm xi măng sinh học là kĩ thuật dùng một ống thông rất nhỏ chọc qua da và bơm một lượng xi măng sinh học vào đốt sống xẹp dưới hướng dẫn của hình ảnh. Hiện nay, trung bình mỗi tuần có từ 3 - 5 bệnh nhân đang điều trị bằng phương pháp này tại khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống. Tại buổi sinh hoạt, TS. Trần Chiến đã trao đổi về hai phương pháp bơm xi măng sinh học đó là: bơm xi măng sinh học không dùng bóng và bơm xi măng sinh học dùng bóng, những ưu điểm, các biến chứng và các kĩ thuật khi tiến hành hai phương pháp này.

Ứng dụng cánh tay robot trong phẫu thuật cột sống

Trong thời gian qua, khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã triển khai nhiều kỹ thuật mới, kĩ thuật cao, khó, tiên tiến, hiện đại trong điều trị chấn thương cũng như các bệnh lý của sọ não và cột sống. Trong đó, nổi trội là phẫu thuật cột sống với lượng bệnh nhân rất nhiều, những kỹ thuật chuyên sâu được thực hiện thường xuyên như: phẫu thuật thay thân đốt sống cổ, lưng, thay đĩa đệm nhân tạo, phẫu thuật trượt đốt sống, nội soi thoát vị đĩa đệm, phẫu thuật gãy mỏm nha, phẫu thuật cột sống cổ lối trước sau, tiêm giảm đau cột sống... mới đây, khoa đã triển khai phương pháp phẫu thuật cột sống bằng robot, phẫu thuật ít xâm lấn bắt vis qua da đạt được kết quả rất tốt. Ngoài ra, khoa còn thực hiện phẫu thuật các kỹ thuật khó trong chuyên ngành phẫu thuật thần kinh như: phẫu thuật cắt u não nền sọ, phẫu thuật thần kinh chức năng, phẫu thuật kẹp phình mạch não (đây là phẫu thuật mà rất ít bệnh viện trong cả nước có thể làm được), phẫu thuật u hốc mắt, phẫu thuật u tủy cổ, phẫu thuật nội soi lấy đĩa đệm, phẫu thuật nội soi u tuyến yên, phẫu thuật cột sống xâm lấn tối thiểu (MIS TLIF) điều trị bệnh trượt đốt sống, hẹp ống sống, phẫu thuật nội soi điều trị thoát vị cột sống, phẫu thuật cấp cứu đột quỵ não bằng nội soi, bằng thuốc tiêu sợi huyết, đây là các phẫu thuật tiên tiến mà trên thế giới cũng đang nghiên cứu và ứng dụng,… Với các phẫu thuật này đã thể hiện bước tiến quan trọng, góp phần khẳng định sự phát triển chuyên sâu của khoa Ngoại Thần kinh - Cột sống nói riêng và Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên nói chung.