Trong thời gian gần 1 tháng, từ 21/3/2016 đến 17/4/2016, Khoa Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiếp nhận 2 trường hợp nhiễm Não mô cầu.

   Bệnh nhân thứ nhất: bệnh nhân Đào Thị H, 62 tuổi, ở La Hiên, Võ Nhai, Thái Nguyên. Nhập viện ngày thứ hai của bệnh, trong tình trạng nhiễm khuẩn nặng nề, xuất huyết dạng tử ban toàn thân, rối loạn đông máu, suy đa tạng nặng. Bệnh nhân được chẩn đoán Nhiễm khuẩn huyết/Viêm màng não do Não mô cầu bằng soi tươi, nuôi cấy máu và dịch não tủy. Sau 21 ngày điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y Tế, bệnh nhân đã ổn định được ra viện.

                                                                                                        

 Ảnh: Bn Đào Thị H. 62 tuổi

    Bệnh nhân thứ hai: Hồ Ngọc T, 40 tuổi, ở Bắc Sơn, Lạng Sơn. Nhập viện ngày 17/4, nhập viện vào ngày thứ ba của bệnh với biểu hiện sốc nhiễm khuẩn, rối loạn đông máu, tử ban toàn thân dạng mảng, đám hoại tử. Sau 01 ngày điều trị tích cực, bệnh diễn biến xấu, rối loạn đông máu không cải thiện, suy đa tạng nặng, tử vong sau 2 ngày nhập viện.

   Hai bệnh nhân trên sống ở hai địa danh tiếp giáp nhau, không có tiền sử tiếp xúc với người bệnh nhiễm não mô cầu trước đó. Ngay từ khi có chẩn đoán, Bệnh viện đã áp dụng các biện pháp dự phòng theo đúng quy định đối với bệnh dịch nhóm B: Lập danh sách và điều trị dự phòng đối với tất cả những người có tiếp xúc gần với người bệnh, cách ly, báo cáo dịch để khoanh vùng kịp thời….

   Với tất cả các hoạt động tích cực, tuân thủ nghiêm túc quy trình phòng bệnh chuẩn, sự phối hợp chặt chẽ giữa Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên và Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, bệnh nhiễm não mô cầu tại Thái Nguyên đã được khống chế hoàn toàn. Sau 1 tháng xuất hiện ca bệnh cuối cùng, không có trường hợp bệnh nhiễm não mô cầu nào được phát hiện tại Thái Nguyên cho đến thời điểm này.

   Bệnh do não mô cầu là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn Neisseria Meningitidis. Đây là loại vi khuẩn trú ở vùng hầu họng, khi có điều kiện thuận lợi sẽ gây bệnh cho con người. Nhiễm não mô cầu có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi. Hai nhóm tuổi thường dễ bị nhiễm là trẻ em từ 6 tháng đến 3 tuổi và nhóm thanh thiếu niên 14-20 tuổi. Bệnh lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc gần với người mang vi khuẩn. Bệnh biểu hiện bằng hai bệnh cảnh chính là nhiễm khuẩn huyết và viêm màng não mủ. Diễn biến cấp tính, có thể gây tử vong trong vòng 12 giờ đến 24 giờ sau biểu hiện bệnh, hoặc để lại di chứng nặng nề như điếc, liệt vận động, cắt cụt chi...

   Triệu chứng đặc hiệu đầu tiên của nhiễm trùng huyết do não mô cầu là chân, tay lạnh và da xanh xao, rịn mồ hôi, người bệnh có sốt cao, lạnh run, buồn nôn, nôn ói, đau cơ khớp, Ngoài ra, xuất hiện tử ban do đông máu nội mạch rải rác (thuyên tắc mạch và xuất huyết). Vị trí thường thấy ở thân và 2 chân, đôi khi xuất hiện ở mặt, tay và niêm mạc. Khởi đầu người bệnh có cảm giác đau vùng da sắp nổi tử ban, sau đó là hồng ban rồi xuất hiện tử ban. Trong trường hợp viêm màng não do não mô cầu có biểu hiện sốt cao, đau đầu dữ dội, buồn nôn, sợ ánh sáng, thay đổi tính tình có thể rối loạn ý thức và hôn mê. Người bệnh cần được phát hiện sớm, điều trị đặc hiệu nhằm hạn chế nguy cơ tử vong, tránh các biến chứng và phòng lây nhiễm ra cộng đồng.

 Người dân cần lưu ý thực hiện các nguyên tắc vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường sống. Khi phát hiện có các biểu hiện của bệnh cần đến cơ sở y tế để được khám và chẩn đoán sớm bệnh do não mô cầu.