Ngày 02/3/2020, được sự phối hợp chuyển giao kỹ thuật của các bác sĩ chuyên khoa Tiết niệu Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, các bác sĩ khoa Ngoại Tiết niệu Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên đã tiến hành đặt stent niệu đạo cho bệnh nhân Nguyễn Tiến T, 45 tuổi, trú tại Dương Thành, Phú Bình, Thái Nguyên.

BSCKII. Trần Ngọc Tuấn, Trưởng khoa Ngoại tiết niệu - Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cho biết: bệnh nhân nhập viện trong tình trạng bí tiểu cấp. Kết quả chụp niệu đạo ngược dòng cho thấy niệu đạo đoạn gốc dương vật bị hẹp, bệnh nhân được chỉ định đặt stent niệu đạo. Trước đó đã 2 lần mổ mở và 1 phẫu thuật nội soi nhưng vẫn tái phát. Kỹ thuật đặt stent vào đoạn niệu đạo là đặt 1 khung thép dạng lưới vào đoạn niệu đạo hẹp, khi stent bung ra giúp cho niệu đạo nở ra như bình thường, bệnh nhân có thể đi tiểu dễ dàng mà ko phải phẫu thuật cầu kỳ, phức tạp. Stent rất cơ động và luôn giữ cố định được độ rộng của niệu đạo, kỹ thuật này hoàn toàn được tiến hành bằng phương pháp nội soi. Với ưu điểm là xâm lấn tối thiểu, tuy nhiên chỉ phù hợp một số trường hợp.

Các bác sĩ thực hiện kỹ thuật đặt  Stent niệu đạo cho bệnh nhân Nguyễn Tiến T

Trong quá trình phẫu thuật các bác sĩ đã đưa stent vào đúng vị trí hẹp. Đây là một kỹ thuật rất mới mặc dù đã được áp dụng ở các nước tiên tiên trên thế giới nhưng ở Việt Nam kỹ thuật này chưa được áp dụng nhiều tại các bệnh viện lớn. Hiện tại, sức khỏe của bệnh nhân ổn định và tiếp tục được theo dõi và điểu trị  tại  khoa Ngoại tiết niệu - Bệnh viện.

Theo BSCKII. Trần Ngọc Tuấn hẹp niệu đạo là bệnh lý phức tạp điều trị khó khăn và tỷ lệ hẹp tái phát sau điều trị rất cao, hẹp niệu đạo làm cho bệnh nhân thường xuyên đi tiểu khó, dòng tiểu nhỏ, gây nhiễm khuẩn niệu, viêm bàng quang,...ảnh hưởng nhiều đến chất lượng cuộc sống. Nếu tắc nghẽn trong thời gian dài có thể gây suy thận. Hy vọng rằng kỹ thuật này sẽ sớm được áp dụng rộng dãi tại các bệnh viện và nhất là tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên để bệnh nhân có được sự lựa chọn trong điều trị bệnh lý hẹp niệu đạo.