Tổ chức Y tế Thế giới xếp Việt Nam vào nhóm các nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất thế giới. Nguyên nhân chính là do lạm dụng kháng sinh, có tới 88% kháng sinh tại thành thị được bán ra mà không cần kê đơn, ở nông thôn tỉ lệ lên đến 91%.
Tình trạng kháng kháng sinh tại Việt Nam ngày càng gia tăng khi xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại thuốc. Các  cơ sở khám chữa bệnh đang phải đối mặt với tốc độ lan rộng của các vi khuẩn kháng nhiều nhóm kháng sinh. Trong đó tình hình kháng thuốc tại các tỉnh phía Nam nghiêm trọng hơn.
Tại các khoa hồi sức tích cực, vấn đề này còn nan giải hơn, do nơi đây tập trung những bệnh nhân nặng nhất, qua nhiều khoa điều trị. Tại các tỉnh phía Nam, với nhóm kháng sinh carbapenem, nhóm kháng sinh mạnh nhất hiện nay cũng có tỉ lệ lên tới 50%, đặc biệt là các vi khuẩn gram âm mang gen kháng thuốc như Beta lactamase.
PGS-TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh, Bộ Y tế - cho biết, trong khi nhiều quốc gia phát triển đang còn sử dụng kháng sinh thế hệ 1 có hiệu quả thì Việt Nam đã phải sử dụng tới kháng sinh thế hệ 3 và 4. Đáng lo ngại hơn, ở nước ta đã xuất hiện một vài loại siêu vi khuẩn kháng lại tất cả các loại kháng sinh. Phổ biến nhất là nhóm vi khuẩn gram âm đường ruột.

Lo ngại kháng kháng sinh ở trẻ nhỏ, Ở trẻ nhỏ, tình trạng kháng kháng sinh cũng vô cùng nghiêm trọng. Từ kết quả khám sàng lọc bệnh nhi đến khám và điều trị tại viện, PGS-TS Trần Minh Điển - Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương - cho biết có khoảng 30% bệnh nhi có vi khuẩn kháng thuốc. Một trong những nguyên nhân làm trẻ có vi khuẩn kháng thuốc là do nhiều trẻ được các ông bố bà mẹ tự ra hiệu thuốc mua thuốc điều trị với liều lượng kháng sinh không hợp lý. Việc cha mẹ tự ý cho trẻ dùng thuốc kháng sinh, dùng với liều lượng không thích hợp sẽ gây ra tình trạng kháng thuốc kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh. Điều này sẽ làm cho quá trình điều trị bệnh trở nên khó khăn hơn, tốn nhiều thời gian hơn và làm trẻ mệt mỏi hơn.Bên cạnh đó, tình trạng lạm dụng thuốc, không đến khám bác sĩ mà tự ý ra hiệu thuốc mua thuốc về điều trị, mua thuốc theo đơn của người khác hoặc nghe theo sự mách bảo của người khác… cũng góp phần làm gia tăng số lượng và mức độ các trường hợp dị ứng thuốc. Và hậu quả của việc lạm dụng thuốc dẫn đến kháng thuốc là làm cho thời gian điều trị bệnh kéo dài, kéo theo sử dụng nhiều kháng sinh, sẽ lại ảnh hưởng đến kinh tế, giá thành điều trị tăng cao. Đặc biệt, nhiều khuẩn kháng thuốc còn khiến nguy cơ tử vong tăng cao, nhất là với nhiễm trùng huyết, sốc nhiễm khuẩn.

Tại Bệnh viện trung ương Thái Nguyên, việc sử dụng kháng sinh cho bệnh nhân điều trị nội trú được quyết định bởi xét nghiệm kháng sinh đồ và cấy máu (nếu cần). Kháng sinh đồ thực hiện trên hệ thống VITEK… thời gian làm xét nghiệm  đã giảm từ 72h xuống 18-24h.

Cấy máu được tiến hành khi có dấu hiệu của nhiễm trùng máu (nhiễm khuẩn huyết) như sốt cao, lạnh run, tụt huyết áp, hay có những triệu chứng khác. Cấy máu giúp đánh giá được nguồn gốc gây ra nhiễm trùng.Kết quả cấy máu còn là nền tảng trong việc chọn lựa kháng sinh điều trị. Để giúp các Bác sỹ, điều dưỡng các khoa nhi khoa, hồ sức cấp cứu, khoa cấp cứu cập nhật kiến thức về sử sụng các xét nghiệm vi sinh trong lâm sàng  ngày 7/11/2018 Bệnh viện đã tổ chức buổi hội thảo khoa học về vai trò xét nghiệm cấy máu, kháng sinh đồ trong nhi khoa, hồi sức cấp cứu và hướng dẫn sử dụng kháng sinh hợp lý. Đến dự và báo cáo tại hội  thảo có PGS.TS Nguyễn Hoàng Anh, phó giám đốc trung tâm ADR quốc gia và PGS.TS Phạm Hồng Nhung trưởng khoa Vi sinh  Bệnh viện Bạch mai. Thông qua buổi hội thảo các Bác sỹ điều dưỡng được  thông tin cập  nhật những vấn đề mới trong kháng kháng sinh, cấy máu và kháng sinh đồ, trên cơ sở đó giúp các bác sỹ có kỹ năng thực hành điều trị tốt hơn, sử dụng kháng sinh hợp lý và hạn chế tình trạng kháng thuốc.